11/10/2019

Làm sao giải được bài toán thiếu nhân lực ngành TMĐT Việt Nam thời 4.0?

Để giải được bài toán của toàn bộ thị trường chắc chắn cần sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa nhà trường và doanh nghiệp trong ngành thương mại điện tử.

Ngành học “hot” trong thời đại 4.0
Thương mại điện tử Việt Nam hiện được xem đang bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong 3 năm trở lại đây. Theo thông tin từ Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Công nghệ thông tin, ngành này đang có tốc độ tăng trưởng 25%/năm, thuộc top tăng trưởng lớn nhất trên thế giới. Tốc độ này được dự báo sẽ tiếp tục giữ vững trong vài năm tới và đến năm 2020, TMĐT Việt Nam sẽ có thể đạt 10 tỷ USD.

Ngoài ra tiềm năng của TMĐT tại Việt Nam cũng đang còn rất lớn nếu so sánh với các nước khác trong khu vực. Nếu xét trên tỷ lệ giữa doanh thu TMĐT so với tổng doanh thu bán lẻ trong năm 2017, Trung Quốc đang là số 1 trên thế giới, chiếm khoảng hơn 20%, ở Nhật Bản là 10%, Hàn Quốc là 12% nhưng tại Việt Nam con số này chỉ mới dừng lại ở con số 1,4%.

Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá về mức độ hấp dẫn đứng thứ 6 trên thế giới, trong khu vực chỉ sau Trung Quốc và Malaysia. Các chuyên gia dự đoán rằng trong vòng 5-7 năm tới, TMĐT tăng trưởng ít nhất 10 lần, lạc quan sẽ là 20 lần.

Tiềm năng lớn, hứa hẹn nhiều cơ hội cũng như nguồn nhân lực khan hiếm là những nguyên nhân khiến nhiều trường mở thêm ngành liên quan để đáp ứng nhu cầu thị trường. Lĩnh vực này cũng hứa hẹn sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội việc làm thông qua nhu cầu tuyển dụng ngày càng lớn của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TMĐT.
Tuy nhiên, một thực tế hiện nay tuy lực lượng sinh viên ngành TMĐT khá đông đảo nhưng các doanh nghiệp hiện nay vẫn đang thiếu trầm trọng nhân lực có trình độ chuyên môn tốt. Theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam – VECOM, trong năm 2017 có đến 31% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động liên quan đến công nghệ thông tin và TMĐT.
“Trong vài năm gần đây, chúng tôi cảm thấy rất vất vả trong việc đi tuyển dụng nhân sự”. Đó là những lời nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc chuỗi bán lẻ mẹ và bé BiBomart Trịnh Lan Phương tâm sự cùng bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam trong một buổi thảo luận về ngành này.
Khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế
Kết nối sâu rộng hơn giữa nhà trường và các doanh nghiệp chính là một trong những điểm mấu chốt để phát triển đội ngũ nguồn nhân lực có tính “thực tế” ngay trên ghế nhà trường. Những kiến thức thu được từ thực tế làm việc sẽ giúp những người đang học trong nghề này bổ khuyết những điểm còn thiếu về kỹ năng, áp dụng lý thuyết được học ngay vào từ giảng đường đại học.
Điểm giao thoa giữa nhà trường và doanh nghiệp không nên chỉ dừng lại ở hỗ trợ kiến tập, thực tập của sinh viên mà hơn thế nữa, các doanh nghiệp có thể tiến sâu hơn nữa ví dụ như tham gia vào công tác đào tạo các học phần liên quan, cung cấp và hướng dẫn thực hành nền tảng, xây dựng và thẩm định đề cương học phần, tham gia hướng dẫn và đánh giá kết quả học tập của sinh viên, tổ chức giao lưu, chia sẻ, hướng nghiệp, cuộc thi liên quan TMĐT…

CEO Tiki Trần Ngọc Thái Sơn cũng từng chia sẻ cách mà công ty này giải quyết bài toán nhân sự là tự đào tạo. Theo đó công ty này phải tuyển những người đẳng cấp quốc tế (world class- theo cách nói của CEO Tiki) về sau đó dùng những người này để đào tạo cho người trong công ty mình.
Tuy nhiên không phải công ty nào cũng có đủ tiềm lực để làm được như Tiki và để giải được bài toán của toàn bộ thị trường chắc chắn cần sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa nhà trường và doanh nghiệp trong ngành thương mại điện tử.

Nguồn: Cafebiz

Có thể bạn quan tâm: